Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Nguy cơ tiềm ẩn bởi các tòa nhà sử dụng đèn led để trang trí

Nhiều tòa nhà cao tầng được “phủ” lớp bóng đèn chớp, biến toàn bộ tòa nhà thành một màn hình khổng lồ, nhấp nháy liên hồi rực sáng cả một khu vực. Tuy nhiên, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát mức độ an toàn và yếu tố thẩm mỹ của những hệ thống đèn khổng lồ này...

Thời gian gần đây, hàng loạt tòa nhà được khoác lên mình “lớp áo rực rỡ” khổng lồ từ các bóng đèn Led. Ban đầu là những dải bóng đèn nối tiếp nhau tạo điểm nhấn cho các tòa nhà như: Thăng Long Number One (Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân); Lancaster (phố Núi Trúc, quận Ba Đình); Diamond Tower (đường Lê Văn Lương)… Công nghệ bóng Led thay đổi giúp “lớp áo” được cải tiến hơn, đã có một số tòa nhà đưa cả trăm nghìn bóng đèn Led interone phủ kín tòa nhà, giúp những hình ảnh được lập trình sẵn như những chiếc ti vi khổng lồ.
Tại tòa nhà Eurowindow (2 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa) được lắp hàng nghìn bóng đèn Led dọc theo tòa nhà, mỗi buổi tối đi qua đây, người dân hầu như đều choáng ngợp, ấn tượng bởi tòa nhà rực sáng nhưng không ít người bức xúc vì ánh đèn chói lóa ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Anh Chu Quốc Anh (nhà trên phố Chùa Bộc) cho biết, khu vực ngã tư này có 2 tòa nhà đối diện nhau, cả 2 tòa đều gắn những bóng đèn khổng lồ khiến cho nhiều người tham gia giao thông bị “quáng mắt”, mất tập trung khi tham gia giao thông.
Trên phố Láng Hạ, tòa nhà VP Bank trước đó đã tạo ấn tượng với nhiều người dân vì biến cả tòa nhà thành hình lá quốc kỳ phấp phới để cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam. Tuy nhiên, giàn đèn trên khiến người dân khu vực lo ngại về nguy cơ
cháy nổ.
Đơn vị thi công tòa nhà VPBank cho biết, tòa nhà được chiếu sáng bằng 40.000 cụm bóng Led có gắn IC (bộ điều khiển) để phối hợp với nhau biến tòa nhà thành 1 màn hình khổng lồ. Được biết, tổng giá trị hợp đồng lắp đặt bóng Led cho tòa nhà này khoảng 10 tỷ đồng. Về an toàn PCCC, đại diện đơn vị thi công khẳng định: Hệ thống Led sử dụng nguồn điện áp thấp (khoảng 15V) nên gần như không có khả năng cháy nổ.
Còn nhớ, năm 2015 liên tiếp 2 ngày 31/5 - 1/6/2015, tại tòa nhà Thăng Long Number One (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã xảy ra 2 vụ cháy nổ liên quan đến hệ thống đèn Led trang trí tòa nhà. Ngày 1/6/2015, hai tiếng nổ lớn như bom ở tòa nhà 40 tầng này. Mảnh vỡ thủy tinh rơi xuống đường, khiến người dân bỏ xe máy trên đường, chạy thoát thân. Theo những người dân chứng kiến tại hiện trường, thời điểm xảy ra nổ thì trời đang có gió to, lửa văng xa cả chục mét. Nguyên nhân cả 2 vụ nổ tại tòa nhà này đều xuất phát từ hệ thống đèn trang trí tòa nhà.
“Đá bóng” trách nhiệm
Lãnh đạo một Cty chuyên giải pháp hệ thống đèn module Led quảng cáo cho biết, đèn Led ở Việt Nam có 2 dòng chính là hàng Trung Quốc và hàng trong nước. Hàng Trung Quốc mẫu mã đa dạng, giá rẻ nên được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, loại hàng này chất lượng không đồng đều, tuổi thọ thấp. Bên cạnh đó, khách hàng thường không mua kèm gói theo dõi và bảo trì nên sau một thời gian có thể xảy ra sự cố, nhất là với những loại bóng lắp đặt ngoài trời.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, không có thủ tục cấp phép riêng lẻ đối với chiếu sáng trang trí cho các tòa nhà. Đây chỉ là phần phối hợp giữa các sở liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Giao thông, Sở QH-KT… Trong giấy phép xây dựng cũng không có phần trang trí đèn Led, chỉ sau khi hoàn thiện và có đề xuất làm đèn trang trí thì Sở QH-KT mới có ý kiến.
Ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Láng Hạ cho biết, thanh tra xây dựng phường đã yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà VP Bank đưa ra hồ sơ cấp phép cho hệ thống đèn Led của tòa nhà. Tuy nhiên, trang trí không phải là lĩnh vực liên quan đến trật tự xây dựng mà đây là trách nhiệm của ngành văn hóa.
Còn với ngành văn hóa, loại hình này lại là “cái khó” vì chưa có chế tài kiểm tra, xử lý. Đại diện Sở VHTT Hà Nội cho rằng: “Đây cũng là cái khó của ngành bởi Luật Quảng cáo không đưa loại hình này vào, quy chế thành phố cũng chưa có”. Ban đầu chỉ là những đèn Led chạy dọc tòa nhà, đến nay thì có những tòa nhà như tòa EuroWindow, tòa VPBank… chạy cả dòng chữ tên tòa nhà lên, rõ ràng là quảng cáo.
Tuy nhiên, khi kiểm tra thì đây chỉ là những bóng đèn Led chạy theo lập trình nên không thể xử lý theo dạng màn hình cỡ lớn được. Tới đây công nghệ phát triển, sẽ còn những loại hình như chiếu lazer lên mặt kính tòa nhà tạo ra những màn hình cực đại. Nhất thiết cần phải điều chỉnh văn bản pháp lý để có cơ chế kiểm tra, xử lý loại hình này. “Chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch 3 tháng nay nhưng vẫn chưa thấy hồi âm”, đại diện Sở VHTT Hà Nội trao đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét